TỔNG KẾT HÙNG BIỆN ĐỒNG ĐỘI CUỘC THI HÙNG BIỆN SAY TO SUCCEED LẦN XI - NĂM 2022

   Say to Succeed lần XI – năm 2022 với chủ đề “THỨC – BƯỚC NHẢY ĐẾN BÌNH MINH” đã đi qua ba phần tư chặng hành trình, giờ đây tấm màn Bán kết vòng thi Hùng biện đồng đội cũng đã chính thức khép lại để bắt đầu cho chặng cuối đầy lửa và bùng cháy.
 
   Top 20 Say to Succeed năm nay, những con người luôn thắp sáng trong mình ngọn lửa khát khao sự học và trui rèn bản thân mỗi ngày; với tư duy logic và lập luận sắc bén, 4 đội thi đặc biệt, 20 con người đa sắc màu đã minh chứng một điều rằng: “Chúng tôi đến với S2 để lắng nghe và học hỏi lẫn nhau; hơn hết, chúng tôi muốn dùng tiếng nói của mình để nêu lên những suy nghĩ, quan điểm đến cộng đồng người trẻ”. Có thể nói, các đội thi đã cùng truyền lửa cho nhau, tạo nên vòng tròn đoàn kết; mình là bạn, mình là đối thủ, mình hòa vào tinh thần đồng đội nhưng cũng thể hiện yếu tố cá nhân; qua đó, bật lên được tinh thần hùng biện đích thực.
 
   “Một điều chúng ta nên biết là khi lắng nghe, hãy mở lòng mình ra để biến mình thành một miếng mút xốp khổng lồ thấm mọi kiến thức.” – MS. Trang Nhung (Thành viên Ban Cố vấn Cuộc thi Hùng biện Say to Succeed – Giảng viên Khoa Lý luận chính trị trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh)
 
   Sự kết hợp ăn ý cùng lối tư duy đa chiều, sức mạnh của ngôn từ và lời nói đã được các thí sinh khai thác triệt để để đưa thông điệp lên cao nhất và lan toả giá trị sâu rộng. Ngoài sự trình bày xuất sắc từ các đội thi, không thể không kể đến sự hỗ trợ nhiệt thành của các Mentor luôn “kề vai sát cánh” và khích lệ team hết mình. Bên cạnh đó, đội ngũ Ban Giám khảo, những người “cầm cân nảy mực” luôn đưa ra cho từng đội, từng thí sinh những nhận xét mang tính chuyên môn sâu sắc, giúp các bạn mở rộng góc nhìn toàn diện và đa chiều về hùng biện thông qua những rung động, thấu cảm, và chân tâm.
 
   Vòng Bán kết Cuộc thi Hùng biện Say to Succeed 2022 đã chính thức khép lại, nhưng hành trình thức tỉnh bản thân để hiểu mình, hiểu người, sống dấn thân chỉ mới thực sự nổ phát súng đầu tiên để gặt hái được những thành quả lớn.
ĐỀ THI VÒNG HÙNG BIỆN ĐỒNG ĐỘI:
 
ĐỀ 1: ​​Có ý kiến cho rằng: Nên cấm việc đưa nội dung đề cập đến các vấn đề tự tử vào trong các tác phẩm nghệ thuật.
Bạn đồng ý hay không đồng ý với quan điểm trên?
 
ĐỀ 2: Có ý kiến cho rằng: Nạn nhân của quấy rối tình dục cần lên tiếng trên các phương tiện truyền thông, báo chí.
Bạn đồng ý hay không đồng ý với quan điểm trên?
 

TEAM 1: CHIM SẺ

ĐỒNG Ý với quan điểm: “Nạn nhân của quấy rối tình dục cần lên tiếng trên các phương tiện truyền thông, báo chí.”

  Đội 1 dẫn dắt người xem vào vấn đề với những bức hình ẩn chứa sự việc cần được báo động, làm không khí trầm xuống bằng những nút thắt từ chính câu chuyện có thật của thành viên trong đội của mình. Với sự phối hợp ăn ý, phong thái tự tin toát lên những màu sắc đậm chất riêng của mỗi bạn tạo thành một dải màu đa sắc và những góc nhìn đa chiều để đưa ra những lập luận logic, dẫn chứng thuyết phục làm rõ quan điểm mà mình bảo vệ:

   – Chúng ta không thỏa hiệp với cái ác nhưng tại sao nó vẫn còn tồn tại, dường như bản thân mỗi người vẫn chưa nhận biết được cái ác đó trông ra sao, đáng sợ như thế nào.

  – Vết thương lan rộng trong tâm hồn và thể xác, khi ta không biết mình bị tổn thương và cứ cố bám víu ra bên ngoài xã hội.

   – Khi bạn lên tiếng bạn sẽ trở thành một người cài đặt nên động cơ then chốt để kích hoạt lên làn sóng dư luận mạnh mẽ đánh vào quấy rối tình dục.

   Thông điệp team muốn gửi gắm: “Hãy can đảm ngay bây giờ, cùng tôi cất tiếng nói của mình, cho bạn, cho chúng ta và cho xã hội không tồn tại quấy rối tình dục!”

TEAM 2: THE FLOWERS

ĐỒNG Ý với quan điểm: “Nên cấm việc đưa nội dung đề cập đến các vấn đề tự tử vào trong các tác phẩm nghệ thuật.”

   Là đội thi mở màn đầu tiên với phong cách điềm tĩnh, nhẹ nhàng tựa như lông vũ cùng với đó là sự dẫn dắt nhịp nhàng, cuốn hút của từng thành viên đã thu hút Ban giám khảo và khán giả chăm chú lắng nghe phần trình bày của các bạn; góp phần làm nóng không khí hội trường ngày hôm đó.

   Năm con người đại diện cho năm bông hoa mang vẻ đẹp khác nhau nhưng đều có chung khao khát tỏa ngát hương thơm đi xa. Vẻ đẹp đó thể hiện rõ nét qua cách các bạn phối hợp với nhau trong lúc trình bày và phản biện; từng mắt xích được đan vào nhau đều hướng đến mục tiêu chung của cả đội.

   Với lối tư duy logic cùng lập luận chắc nịch, đanh thép, The Flowers đã mang đến phần trình bày hết sức thuyết phục từ những số liệu thống kê từ phim ảnh hay dẫn chứng hiệu ứng, thể hiện qua các luận điểm nổi bật:

  – Hiệu ứng Welder: hành vi tự sát của một hoặc nhiều người sẽ góp phần lây lan hiện tượng tự sát khác.
 –  Giải quyết ám thị và lan tỏa.
 –  Cấm để xây dựng chứ không phải chối bỏ.

    Một tinh thần hùng biện với mong muốn khai thác vấn đề để tìm hướng giải quyết của The Flowers đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng Ban giám khảo và khán giả. Có thể nói, “chỉn chu – đoàn kết – hết mình” là những tính từ dùng để nói lên tinh thần của đội thi The Flowers.

TEAM 3: NẮNG

KHÔNG ĐỒNG Ý với quan điểm: “Nên cấm việc đưa nội dung đề cập đến các vấn đề tự tử vào trong các tác phẩm nghệ thuật.”

   Đội “Nắng” đã mang đến một không khí vô cùng ấm áp, tràn đầy nhiệt huyết xua đi làn gió lạnh của cơn mưa rào bất chợt vào buổi chiều Chủ nhật. Với những lập luận sắc bén, những dẫn chứng gần gũi, đội 3 đã dẫn dắt người nghe đến những góc nhìn mới mẻ và đa chiều hơn.

   Đứng trên lập trường không đồng ý về vấn đề: “Nên cấm việc đưa nội dung đề cập đến các vấn đề tự tử vào trong các tác phẩm nghệ thuật”, đội 3 đã đưa ra những quan điểm nổi bật như sau:

  – Nghệ thuật có tính tự trị và vai trò riêng. Có thể nói rằng, thế giới nghệ thuật thống nhất và không đồng nhất thông qua những trải nghiệm, quan sát của tác giả. Cuộc sống cũng như chiếc đàn piano có lúc thăng lúc trầm, có lúc ngân nga theo giai điệu nhạc như những thanh đen, thanh trắng, nốt ngắn nốt dài. Vai trò của nghệ thuật mang một chất riêng, một nỗi niềm riêng phản ánh cuộc sống thực trạng của con người, và cũng chỉ có nghệ thuật, mới giúp con người đồng cảm và tìm ra ý nghĩa của cuộc sống.

 –  Nghệ thuật giúp con người được thấu hiểu và chữa lành. Dù là một bản nhạc, một tiếng tình ca, một tác phẩm văn học kiệt tác, dù bằng cách này hay cách khác, nghệ thuật len lỏi vào trong trái tim chúng ta để trở thành người bạn, nghệ thuật chạm đến từng ngóc ngách sâu trong tâm hồn cô độc của chúng ta để mà lắng nghe, chia sẻ.

 –  Tự tử là hậu quả của một chuỗi nguyên nhân và đề cập cái chết trong tác phẩm nghệ thuật để chúng ta hiểu rõ hơn giá trị cuộc sống. Quả thực, đôi khi chúng ta thường khăng khăng nhìn nhận những mặt xấu của vấn đề mà không hề hay biết. Người ta thường chĩa mũi rìu vào tác phẩm nghệ thuật có yếu tố tự tử và cho đó là nguyên nhân gây ra những câu chuyện đau buồn, bi thảm của ai đó. Nhưng quên mất rằng, một tác phẩm nghệ thuật không đơn thuần chỉ là cảm xúc của tác giả, mà nó còn giúp chúng ta biết rằng đâu đó vẫn luôn có người lắng nghe mình.

TEAM 4: KHẢI HOÀN

KHÔNG ĐỒNG Ý với quan điểm: “Nạn nhân của quấy rối tình dục cần lên tiếng trên các phương tiện truyền thông, báo chí.”

  Cả đội dẫn dắt khán phòng trải qua các bậc cảm xúc, từ câu chuyện của chính mình trong quá khứ đã từng là nạn nhân của quấy rối tình dục đến những nỗi sợ, nỗi lo lắng để rồi hôm đó dám đứng trên sân khấu nói lên tiếng nói của bản thân bằng những luận điểm và lý lẽ sát thực để bảo vệ quan điểm của mình.

   Trong suốt vòng thi, đội Khải Hoàn đã đưa ra những luận điểm rất sắc bén:

  – Việc lên tiếng là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của nạn nhân, họ không cần phải làm trái với mong muốn của mình.
 –  Việc lên tiếng trong xã hội chưa đạt chuẩn văn minh chỉ khiến cho nạn nhân sống lại nỗi đau thêm một lần và chỉ nhận lại sự phán xét, dè bỉu của mọi người.
  – Truyền thông chính là con dao hai lưỡi, không phải chỗ dựa vững chắc để bảo vệ được nạn nhân.