TỔNG KẾT BUỔI CHIA SẺ TOP 100

CHỦ ĐỀ: KỸ NĂNG THUYẾT TRÌNH VÀ TINH THẦN HÙNG BIỆN

Trước tình hình dịch Covid – 19 diễn ra phức tạp, Say to Succeed cùng các bạn thí sinh Top 100 vẫn dành thời gian để được cùng nhau “khai sáng” về “Kỹ năng Thuyết trình và Tinh thần Hùng biện” dưới sự chia sẻ của hai “người bạn” đặc biệt: cô Nguyễn Thị Trang Nhung và cô Nguyễn Thị Thu Lài thông qua hình thức Online.
 
Những chia sẻ gần gũi nhưng đầy sự sâu sắc và tâm huyết của hai diễn giả như một món quà cả về tinh thần và là hành trang hữu ích cho các bạn thí sinh. Dù chỉ được thấy nhau qua chiếc camera nhỏ bé, nhưng những giá trị mà buổi chia sẻ đem lại vẫn không hề bé nhỏ. Thông qua những giây phút được “chuyện trò” cùng hai diễn giả, các thí sinh đã có cơ hội được giao lưu, tương tác trực tiếp để học hỏi kinh nghiệm và tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới mẻ, đầy bổ ích.
 
Sau đây là những thông điệp mà hai cô đã truyền tải trong suất buổi chia sẻ
s2 s2 s2 s2

Đối với Thuyết trình chúng ta có thể thoải mái, thậm chí ta có thể làm thành một vở diễn, một show diễn mà ở đó ta là nhân vật chính, và yếu tố “giải trí” là thứ mà ta có thể tự do mang vào.

Nhưng đối với Hùng biện, chúng ta không cần bộc lộ quá nhiều năng lực bên ngoài mà sẽ thiên về độ sâu – độ trầm – độ thấm – độ thẩm ở tri thức, dùng những cái sâu thẳm của tri thức đó bộc lộ ra bên ngoài thông qua những ngôn ngữ đơn giản nhưng chắc nịch để dễ dàng thu phục người nghe với quan điểm của mình.

Do đó, mỗi người cần phải giữ một niềm tin mạnh mẽ vào những điều chúng ta sẽ nói và truyền vào lời nói nguồn sức mạnh mà chính bên trong bạn đang thôi thúc bạn bảo vệ dựa trên độ sâu – độ trầm – độ thấm – độ thẩm mà mỗi người đã tự trau dồi.

s2 s2 s2 s2

Mỗi người có một tư duy khác nhau, Tinh thần Hùng biện cũng vậy! Chúng ta đều có những quan điểm riêng và cách nêu lên quan điểm đó là dùng những lý luận hợp lý cùng sự tự tin nhất của mình để lý giải vấn đề. Qua đó ta có thể nhận thấy được nhiều góc nhìn khác nhau của sự việc, mở rộng tính đa chiều để được hiểu hơn và được trưởng thành hơn. Tuy nhiên, việc tôn trọng ý kiến hay quan điểm của đối phương không có nghĩa là cổ súy cho cái sai của họ mà là cùng nhau giải quyết vấn đề một cách hiệu quả và trọn vẹn nhất.

Chúng ta là những cái ổ cứng với dung lượng không giới hạn nên có thể dung nạp được rất nhiều thứ. Thật đáng tiếc nếu ai đó tự giới hạn dung lượng bộ nhớ của mình bằng cách lắng nghe một tri thức mới là sẽ phản đối nó ngay lập tức, không cho phép nó vào trong bộ nhớ của mình.

Khi chúng ta tiếp xúc với một kiến thức mới chúng ta nên có một tư tưởng: “À, thì ra nó là như thế!”. Ta chỉ nên phán xét chúng khi ta áp dụng vào cuộc sống cá nhân và trong mối quan hệ liên cá nhân với người khác. Còn khi lắng nghe, hãy cứ mở lòng và biến mình thành một “miếng mút xốp” khổng lồ thấm mọi kiến thức.

Nhưng để kiến thức đó trở thành máu của con tim nồng nàn hơi thở thì ta phải cần một hành trình trải nghiệm, kiểm nghiệm để tạo thành một “lăng kính” có khả năng chọn lọc. Từ đó, ta mới có thể cảm nhận một cách sâu sắc những gì đang diễn ra để hiểu, cảm thông và nhìn vấn đề một cách khách quan. Đồng thời có thêm cơ hội lĩnh hội kiến thức mới, mở rộng được góc nhìn và tư duy đa chiều hơn. Giờ thì, bạn hãy dành 1 phút để xem “chiếc mút xốp” của mình đã thấm hút được bao nhiêu rồi nhé!

Khi ta lắng nghe những kiến thức hay từ một ai đó và bắt đầu huyên thuyên về nó thì câu chuyện kiến thức đó đã được thẩm thấu và trở thành cái của ta. Việc lan tỏa thật tự nhiên đi vào tiềm thức của một ai đó mà không cần phải cố gắng bắt ép họ chấp nhận quan điểm của mình.

Khi chúng ta chân thật, năng lượng và sự lan tỏa từ chính chúng ta tự khắc sẽ thấm vào một ai đó. Chúng ta không thể lấy tất cả những gì mình có để nhét vào đầu một ai khác. Chính vì vậy, cách lan tỏa tốt nhất đối với mỗi người nó không nằm ở công nghệ, mà nó nằm ở chính tâm thức, sự tự cảm nhận lòng trắc ẩn được lồng vào một cái đầu sáng của mỗi người, của mỗi nhà hùng biện.

Chúng ta hãy cứ là chính chúng ta, đừng cố trở thành một ai khác, hãy là một phiên bản hoàn thiện nhất của bản thân, đó là cách ta mộc mạc với chính mình.

Sự chân thành có rèn luyện được gọi là sự tinh tế. Chính sự tinh tế sẽ toát ra bên ngoài, hình thành nên một phong cách cho chính chúng ta. Phong cách chẳng hề là những gì hào nhoáng cao sang, mà nó nằm ở ngay trong lời nói, giọng điệu, ở từng hành động cử chỉ mà ta thể hiện. Cũng như cô đã nói: “máu của con tim là nồng nàn hơi thở”, những gì thể hiện ra bên ngoài sẽ định hình con người chúng ta. Vì thế chân thành chính là cách để ta chọn lọc được phiên bản thật nhất của chính mình.

Vậy hôm nay, bạn đã chọn chân thành với bản thân mình chưa?

Tử tế không chỉ là việc ta che mưa cho ai đó, không chỉ là dắt một bà lão qua đường, tử tế chưa bao giờ chỉ gói gọn trong một hành động đẹp. Tử tế cần phải xuất phát từ nhận thức. Đó là khi ta sẵn sàng chấp nhận rằng mình có thể sai, và người đối diện ta có thể đúng. Những cuộc tranh luận dẫu có căng thẳng, ta vẫn sẵn sàng bắt tay, vẫn mỉm cười và mong họ hiểu rằng ta luôn dành cho họ sự tôn trọng một cách chân thành. Đấy chính là tinh thần của sự Tử tế cũng chính là tinh thần của nghệ thuật Hùng biện!