Facebook YouTube

CUỘC SỐNG QUA LĂNG KÍNH “TƯ DUY PHẢN BIỆN”

Tư duy về một vấn đề là điều ai cũng làm được, nhưng việc chuyển hướng để khai thác và làm rõ những khía cạnh của vấn đề, liệu ta có từng tự vấn để nghĩ sâu hơn và đa chiều hơn hay chỉ đơn thuần là khăng khăng bảo vệ quan điểm mà mình cho là đúng?
 
Say to Succeed đã vô cùng vinh dự khi đã Thầy Hoàng Minh Thông dành tâm huyết và sự đồng hành cho những người trẻ một góc nhìn sâu sắc, đa chiều và thú vị về “Tư duy phản biện” – một kỹ năng sống thiết yếu giúp người trẻ nhìn nhận đâu là mấu chốt, yếu tố cốt lõi của vấn đề khi ta gặp phải, một công cụ giúp tự thân ta biết cách nhìn nhận, đánh giá và hành động với thông tin được tiếp nhận. Để được lan tỏa những giá trị, những điều cần trong cẩm nang sống đến mọi thế hệ. 
 
Hãy cùng Say to Succeed khám phá một cách sâu sắc hơn về Tư duy phản biện qua những ví dụ thực tế dưới đây.

Theo bạn đây là số 6 hay số 9?
Ai là người đúng?
Ai là người sai?
Hay cả hai đều đúng?

Thực ra, khi ta nhìn dưới những góc độ khác nhau, quan điểm nào cũng có cái “lý” riêng của nó, tùy thuộc vào cách hiểu về cùng một vấn đề dựa trên quan điểm và nhận thức của mỗi người. Việc mà bạn đúng cũng không đồng nghĩa là người khác sai. Liệu kết luận mà bạn đưa ra có đủ khách quan nếu ta không dành thời gian để quan sát các khía cạnh của vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau?

Trên bức hình, chuyện gì sẽ xảy ra nếu như chúng ta đảo vị trí của hai nhân vật này với nhau? Liệu rằng họ có nhìn thấy cái mà người kia đang thấy?

Bạn phản ứng như thế nào trước một vấn đề xảy ra?

Bạn mặc định thông tin đó là đúng?
Bạn nghi ngờ và tự đặt ra cho mình những câu hỏi:
Đây là tin thật hay tin giả?
Vắc – xin có thực sự là nguyên nhân chính gây tử vong?
Tôi có nên tiêm vắc – xin hay không?

Hay đơn thuần bạn chỉ cảm thấy lo sợ và vội vàng đưa đến kết luận dựa vào cảm xúc hiện tại của mình rằng “Tôi không muốn tiêm vắc – xin” mà không có bằng chứng nào để đi đến kết luận đó?

Đứng trước một vấn đề xảy ra, bao giờ ta cũng xuất hiện nhiều dòng suy nghĩ khác nhau. Do đó, chúng ta cần quan sát và nhận diện chúng để định vị mình đang ở đâu. Người có tư duy phản biện sẽ biết phân tách cảm xúc bản năng của mình ra khỏi vấn đề, tập trung sự quan tâm vào tư duy và liên tục đặt các câu hỏi để mở ra vấn đề. Từ đó đi đến việc phân tích, so sánh, đối chiếu để tìm ra kết luận sau cùng dựa vào những bằng chứng khách quan chứ không ngay lập tức đưa ra kết luận chỉ dựa vào cảm xúc nhất thời. Còn bạn, bạn đã nghĩ vấn đề theo chiều hướng nào? 

 

Bạn có đang đóng khung nhận định trước sự tác động của thiên kiến, định kiến?

Con trai chải chuốt là bê đê
Lái máy bay là đào mỏ
Xăm hình là ăn chơi, giang hồ

Khi quan sát một vấn đề, chúng ta thường nhìn nó qua rất nhiều bộ lọc khác nhau: thiên kiến, định kiến, những suy diễn, phóng chiếu cảm xúc lên đối tượng được nhìn nhận,… Những bộ lọc này được định hình từ bối cảnh sống, trải nghiệm tự thân, từ nhận định mà chúng ta đã biết trước. Từ đó, nó định hướng suy nghĩ của mình và tạo nên những nhận định chủ quan, đưa ra kết luận rất nhanh chóng. Đồng thời, nó làm méo mó và che lấp đi sự thật.Bạn có tự hỏi rằng, chúng ta có đang thực sự nhìn nhận mọi việc như nó vốn là?

Để có thể bắt đầu tư duy phản biện, một trong những việc bạn cần phải làm chính là suy nghĩ về chính những suy nghĩ mà mình đang có; nhận biết và gỡ bỏ những bộ lọc về thiên kiến, định kiến bằng sự tự vấn và phản tư để đến gần hơn với chân sự thật.

“Nói một đằng, hiểu một nẻo.” – bạn đã từng gặp?

Có bao giờ bạn rơi vào trường hợp “bất lực” vì nói mãi mà không tìm ra điểm chung giữa hai người? Hay bạn có từng vội vàng bác bỏ quan điểm khi chưa suy xét kỹ lập luận mà người đối diện đề ra?

Với ví dụ trên, dễ thấy chúng ta đang rơi vào trạng thái hiểu sai ý tưởng mà người đối diện truyền đạt. “Bình đẳng của động vật” trong hoàn cảnh này có nghĩa: Các loài động vật đều bình đẳng với việc được bảo vệ khỏi sự săn bắn trái phép và vô tội vạ của con người. Việc phản xạ một cách hấp tấp, hời hợt theo kiểu “mì ăn liền” đang làm chúng ta bám víu vào câu chữ mà quên mất đi ngôn ngữ chỉ là một trong những phương tiện để biểu đạt ý nghĩ của mình.

Do đó, cần sự lắng nghe chân thành trong từng lập luận để hiểu hơn thành ý, hàm ý của quan điểm mà đối phương đề cập. Chúng ta cần chậm lại để tự hỏi: Thực tế thì đằng sau lời phát biểu này bao hàm nội dung gì và chúng ta có đang hiểu đúng ý tưởng mà người đó đề cập trong tình huống đó chưa? Hơn thế, đây còn là sự tôn trọng giữa người với người, dám mở lòng mình ra để thấu hiểu người khác và khi đó trí tuệ và tư duy cũng trở nên sáng suốt.

“Chậm” vài giây để nghe, ngẫm và ngấm giúp bản thân ta học được cách thấu cảm. – đó mới chính là tinh thần cốt lõi của tư duy phản biện.

Tư duy phản biện – Hành trình thay đổi tư duy

Khi nhắc đến tư duy phản biện hầu hết mọi người hình dung đến một cuộc “tranh luận” để bảo vệ quan điểm mà mỗi người đều cho mình là đúng. Thế nhưng, bản chất của tư duy phản biện là khả năng nhìn nhận tư duy, tổng hợp, đánh giá thông tin và đưa ra kết luận dựa vào những bằng chứng khách quan và logic. Bên cạnh đó, tư duy phản biện chính là tiếp nhận thông tin trên tinh thần khai mở, đặt câu hỏi cho những suy nghĩ mình đang có và đứng ở nhiều góc độ khác nhau để nhìn vấn đề một cách sáng tỏ, rõ ràng và toàn diện.

Tư duy phản biện xuất hiện trong mọi khía cạnh của cuộc sống hằng ngày như: bạn quyết định hôm nay sẽ ăn gì? Khi phân vân giữa hai loại mỹ phẩm? hay các cuộc thảo luận trên mạng xã hội,… Vận dụng đúng đắn tư duy phản biện sẽ giúp chúng ta nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc hơn, mở lòng gạt bỏ những định kiến của bản thân để hướng đến tinh thần khai mở, suy xét thấu đáo, đóng góp trên tâm thế xây dựng và mở rộng vấn đề. Bên cạnh đó, tư duy phản biện sẽ phát huy hiệu quả tối đa khi ta lắng nghe với tâm thế đặt mình vào góc nhìn của đối phương để tôn trọng và thấu hiểu.

Không chỉ đơn thuần là một kỹ năng, tư duy phản biện là quá trình bồi đắp bởi sự nỗ lực học tập và trui rèn bản thân một cách kỷ luật và chủ động. Phát triển tư duy phản biện là một trong những yếu tố khiến ta đong đầy lòng trắc ẩn, sự bao dung và chạm đến phiên bản hoàn hảo nhất của mình.

ĐÔI NÉT VỀ DIỄN GIẢ

Thầy Hoàng Minh Thông:
★ Giám đốc điều hành EdSpace & Learn With Tom Ltd. (CEO, EdSpace & Learn With Tom Ltd.).
★ Chủ tịch Mạng lưới Lãnh đạo trẻ toàn cầu SUNWAH, HCMC Chapter (Chairman, SUNWAH Global Young Leaders Network, Ho Chi Minh Chapter).
★ Thư ký Câu lạc bộ cựu thành viên các chương trình hữu nghị thanh niên, trực thuộc Uỷ ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam (Secretary, Vietnam Alumni Club of Youth Friendship program VACYF – National Committee on Youth of Vietnam).
★ Lãnh đạo thanh niên (Youth Leader), Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản 2012 (The Ship for Southeast Asian and Japanese Youth Program – SSEAYP).
★ Từng là Đại biểu Đoàn Việt Nam tham dự các diễn đàn, sự kiện giao lưu quốc tế.