CHẠM NGÕ CẢM XÚC - THẤU HIỂU BẢN THÂN

“Đôi khi mình rất nhạy cảm với những vấn đề nhỏ xíu.”
“Mình ngỡ rằng đã làm chủ được cảm xúc bản thân, nhưng khi vấn đề tương tự xảy ra, nó lại bùng lên.”
“Có những lúc mình thấy rất cô đơn dù xung quanh có rất nhiều người.”
Đó là những trăn trở của nhiều bạn khi đến với buổi trò chuyện về chủ đề: “CHẠM VÀO CÂU CHUYỆN CẢM XÚC” cùng cô Nguyễn Phi Vân – diễn giả của buổi chia sẻ, đồng thời cũng là thành viên Ban Cố vấn của Say to Succeed trong nhiều năm qua. Cô đã cho ta thấy rõ quản trị cảm xúc (EI) là một trong những giá trị tạo nên một con người trong thời kỳ mới. Nó không những quan trọng trong việc kết nối với bản thân, quản trị các mối quan hệ trong xã hội mà còn là chìa khóa giải quyết những bài toán nan giải mà thế giới đã đặt ra. Phát triển EI là chặng đường dài. Những “tảng băng chìm” của cảm xúc đang đợi ta trải nghiệm, phản tư và khám phá.

Cảm xúc là tài sản riêng của mỗi người, là thứ luôn song hành cùng ta trong cuộc sống. Ta vui vẻ với những tình huống hài hước, ta buồn với những nốt lặng của một bộ phim hoặc xấu hổ khi nhận ra mình vừa làm một điều gì không đúng,… Những cảm xúc ấy luôn hiện hữu trong ta. Tuy nhiên, con người lại thường có xu hướng chối bỏ, che giấu đi cảm xúc thật, đặc biệt là đối với những cảm xúc tiêu cực thay vì bình tĩnh đón nhận và trò chuyện với chúng.

Cảm xúc của chúng ta giống như tảng băng trôi vậy, với 10% bề nổi là cảm xúc thể hiện ra ngoài và 90% phần chìm là kho dữ liệu lớn (Data Warehouse) ẩn sâu. Chính kho dữ liệu chìm ấy tác động và hình thành nên những cảm xúc trong ta. Chẳng hạn như, ta thường dễ nổi nóng khi bị hỏi về vấn đề riêng tư, gia đình, vậy vấn đề nằm ở người hỏi, cách hỏi hay ở chính bản thân mình? Có lẽ, vấn đề nằm ở phần chìm của tảng băng. Ở đó chứa đựng vô vàn những lăng kính định hình nên những cảm xúc bề mặt mà việc ta cần phải làm là bình tĩnh phân tách xem kho dữ liệu phía dưới tạo nên những cảm xúc này là gì. 90% ấy đôi khi là sự phản chiếu hệ thống niềm tin và giá trị sống của mỗi người, là thiên kiến và thành kiến, là trải nghiệm cá nhân, là nỗi sợ hãi, ước mơ, những thứ ấy chi phối rất nhiều đến cách hành xử của chúng ta. Mỗi kho dữ liệu đều khác nhau, đó là cả một hành trang ảnh hưởng đến sự biểu hiện 10% cảm xúc bề mặt của mỗi người.

EI bao gồm hai nền tảng quan trọng của con người là bản thân và xã hội, gồm 4 khía cạnh cấu tạo: Nhận thức bản thân – Quản Trị bản thân – Nhận thức xã hội – Quản trị xã hội.

Nhận thức bản thân là bước đầu tiên để hình thành trí tuệ cảm xúc. EI của mỗi người luôn âm thầm, lặng lẽ nhưng sẽ dần lộ diện qua hành vi và cách ta lựa chọn để sống. Từ những tổn thương hay kỉ niệm tươi đẹp của quá khứ, bản năng lưu trữ những hình ảnh tiêu cực và tích cực. Cho đến một ngày, ta rơi vào bối cảnh “quen thuộc”, dòng chảy tiềm thức hiện lên những hình ảnh cũ và như một ngòi nổ, nó kích hoạt những ký ức mà chính chúng ta đã trải qua trong quá khứ. Vì thế trước một vấn đề xảy ra, hãy tìm hiểu sâu hơn kho dữ liệu dẫn đến cảm xúc để thấu hiểu và cảm thông nhiều hơn. Chúng ta không thể kiểm soát hay thay đổi những gì xảy ra với kho dữ liệu, nhưng vẫn có thể chọn một thái độ sống khác. Nhận thức bản thân là khi phân tích được suy nghĩ của chính mình và cảm nhận được nguồn cơn ngòi nổ của cảm xúc.

Quản trị bản thân là khi ta học cách kiểm soát và làm bạn với cảm xúc. Mỗi người cần có khả năng thích nghi và tâm thế tích cực để quan sát và kiểm soát những ngòi nổ, khi biết ngòi nổ được kích hoạt từ điều gì, cũng là lúc ta ngăn chặn những ngòi nổ ấy. Xây dựng bên trong mình sự hiểu biết về phong cách, tôn giáo, văn hóa…của người khác sẽ giúp Data Warehouse của chính mình ngày càng mở rộng. Biết nhiều hơn về những quy luật và cách vận hành của thế giới, ta càng dễ dàng hơn trong việc quản trị bản thân mình trước những biến số của cuộc sống.

Nhận thức là khi ta có thể thấu cảm người đối diện, còn quản trị là khi ta có thể ảnh hưởng đến người khác. Do đó, hai khía cạnh cuối cùng chính là: Nhận thức và quản trị xã hội. Từ việc thấu hiểu Data Warehouse của người đối diện, ta nhìn ra bức tranh đằng sau những vấn đề xung đột hay những lo lắng rối bời mà họ đang gặp phải. Tận dụng sự hiểu biết của mình để dung hòa những điểm chung và giải thích những điểm riêng biệt, nhờ đó ta tìm ra những cách tương tác thông minh hơn khi bước chân vào thế giới nội tâm của người đối diện. Không một giá trị liên kết nào bền chặt hơn sợi dây liên kết cảm xúc, khi nhận thức được sự vận hành của xã hội cũng là lúc ta tạo ra cho mình cơ hội để quản trị nó. Điều đó cho phép ta ảnh hưởng, truyền cảm hứng, liên kết nhóm và giải quyết các xung đột. Quản trị xã hội đơn thuần là việc hiểu mình, hiểu người và cùng họ tạo ra những giá trị tích cực.

Quản trị cảm xúc (EI) là một trong những giá trị tạo nên một con người trong thời kỳ mới. Nó quan trọng với bản thân mỗi người cũng như quan trọng tới sự liên kết của nhau trong xã hội. Khi thời đại công nghệ đang dần dần khiến con người trở nên xa cách và vô cảm, EI sẽ là chìa khóa giải quyết bài toán nan giải mà sự phát triển của thế giới đã vô tình gây ra. 

Nếu EI là chiếc chìa khóa giúp ta giải quyết những vấn đề nan giải thì đâu là “ngọn lửa” để ta rèn nên chiếc chìa khóa ấy? Sau đây là một số cách mà bạn có thể thử:

Ghi nhận cảm xúc là “dữ liệu thô”: Chúng ta xem cảm xúc là dữ liệu, điều đó sẽ giúp bản thân chậm lại, nhìn nhận vấn đề một cách chi tiết, đúng đắn hơn. Cứ bình tĩnh, đừng để cảm xúc dẫn dắt mọi hành động của ta. Nếu bạn muốn thay đổi hành động của bản thân thì hãy quản trị tốt cảm xúc của mình. Dành thời gian trò chuyện, quan sát cảm xúc, để hiểu bản thân của mình hiện tại có ổn không, từ đâu mà dẫn đến những cảm xúc không tốt mà mình gặp phải, từ đó có những cách giải quyết khác nhau cho từng trường hợp.

Các cách tránh bẫy cảm xúc thường gặp:
Thứ nhất, tránh việc đổ thừa người khác. Bởi cảm xúc sợ thua kém, muốn chứng tỏ bản thân mình hơn người khác thì ta thường sẽ phản ứng liền với các yếu tố ảnh hưởng. Để rèn luyện EI bạn hãy bình tĩnh, ghi nhận các cảm xúc và tình huống thay vì là phản ứng lại.

Thứ hai, tránh những chuyện bên ngoài tác động. Đừng để những câu chuyện nhỏ nhặt ảnh hưởng tới cảm xúc của bạn cũng như những sự việc nhỏ bị thổi phồng lên một cách nghiêm trọng dẫn đến khó xử cho chính bạn. Ví dụ: Bạn có 1 cuộc hẹn nhưng người đồng hành của bạn lại tới trễ, thay vì cảm thông thì bạn lại giận dữ và lớn tiếng với người đó. Ngay lúc này bạn đã vô tình biến 1 câu chuyện nhỏ nhặt trở nên khó giải quyết hơn rất nhiều.

Ngoài ra, có thể quản lý cảm xúc bản thân thông qua việc thực hành thiền định, mindfulness, đọc sách và tham gia các khóa học liên quan. Ví dụ: Các khóa học: https://www.nguyenphivan.com/lnd-center

Việc rèn luyện EI cần cả một quá trình lâu dài. Nó đòi hỏi bản thân mỗi người phải có sự kiên trì và tinh thần ham học hỏi. Hơn nữa, không phải ai cũng có xuất phát điểm như nhau về mặt nhận thức cảm xúc. Thế nên, việc lựa chọn cho bản thân một cách tư duy phù hợp để rèn luyện EI là điều cần thiết. Bạn thậm chí có thể tự sáng tạo cho mình một cách riêng, miễn là bản thân thấy hiệu quả. Chúc các bạn thành công trên hành trình chinh phục EI của mình!